2024-12-06, tác giả: Ngocthanh

Những chiếc lồng nuôi cá chứa hàng nghìn con có thể sớm xuất hiện ở Vịnh Mexico, nằm trong một kế hoạch gây tranh cãi được chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump hậu thuẫn cách đây bốn năm. Kế hoạch này nhiều khả năng sẽ được tái khởi động khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng tới.

Tin Mới Nhất

Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) mới đây đã xác định năm khu vực trong Vịnh Mexico mà cơ quan này cho rằng đáp ứng sự cân bằng giữa nhu cầu của ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển và các tác động tiềm tàng đến môi trường biển cũng như ngành thủy sản phụ thuộc vào nguồn lợi từ tự nhiên. Việc xác định các “khu vực cơ hội nuôi trồng thủy sản” này là một phần trong kế hoạch kéo dài hàng thập kỷ của liên bang nhằm mở cửa Vịnh Mexico và các vùng biển xa bờ khác cho ngành nuôi trồng thủy sản. Kế hoạch này từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ ông Trump nhưng đã chậm lại dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden, dự kiến kết thúc vào tháng tới. Ba trong số các khu vực nuôi trồng thủy sản ưu tiên của NOAA nằm ngoài khơi Texas, một khu vực khác nằm về phía nam Louisiana. Mỗi khu vực rộng từ 500 đến 2.000 mẫu Anh, với tổng diện tích có thể lên tới 6.500 mẫu Anh. Khu vực thứ năm, được coi là một lựa chọn thay thế, nằm gần cửa sông Mississippi nhưng có khả năng xung đột với hoạt động vận tải hàng hải và đánh bắt tôm trong khu vực này.

Nếu được thông qua, kế hoạch này sẽ lần đầu tiên mở cửa Vịnh Mexico cho việc nuôi quy mô lớn các loại thủy sản như động vật có vỏ, cá vây và rong biển. Các công ty thủy sản từ lâu đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nuôi các loài cá có giá trị cao như cá hồng đỏ (redfish) và cá cam (amberjack) trong các lồng lưới nổi, cách bờ biển Louisiana, Texas và Florida vài dặm. Lo ngại về môi trường và tác động hệ sinh thái Tuy nhiên, các nhà phản đối cho rằng chất thải từ cá, thức ăn thừa và các mảnh vụn hữu cơ từ các khu nuôi trồng thủy sản ngoài khơi có thể làm trầm trọng thêm vùng "chết" khổng lồ của Vịnh Mexico, một khu vực thiếu oxy lớn bằng diện tích bang New Jersey, nơi cá bị đẩy đi và các loài như cua chậm di chuyển dễ bị ngạt thở. Ngoài ra, cá thoát ra từ các trại nuôi nổi có thể lây lan dịch bệnh, ký sinh trùng, cạnh tranh thức ăn với các loài bản địa và thậm chí lai giống với các loài hoang dã, làm pha loãng gene tự nhiên và tạo ra thế hệ cá chậm lớn, kém thông minh hơn. “Khi cân nhắc đến tất cả những tác động môi trường này, mọi thứ thực sự đáng lo ngại,” Marianne Cufone, giám đốc điều hành của Liên minh Trang trại Tuần hoàn có trụ sở tại New Orleans, chia sẻ. “Chưa kể, Vịnh Mexico thường xuyên đối mặt với các cơn bão dữ dội. Tôi không hiểu làm sao các trang trại này có thể tránh khỏi hư hại và việc cá trốn thoát.”

Nguồn cung cá tự nhiên không còn đủ cho thế giới Tuy nhiên, các nguồn cá tự nhiên vốn đã bị khai thác cạn kiệt không thể đáp ứng nhu cầu hải sản ngày càng tăng của thế giới, theo Neil Anthony Sims, CEO của Ocean Era, một công ty nuôi trồng thủy sản hy vọng phát triển một trang trại cá hồng đỏ nổi cách Sarasota, Florida, 40 dặm. Quan điểm của Sims được củng cố bởi một nghiên cứu của Đại học Stanford năm 2021, dự đoán rằng tiêu thụ cá trên toàn cầu sẽ tăng 80% trong vòng 25 năm tới. “Chúng ta không thể nuôi cả hành tinh chỉ dựa vào cá hoang dã, cũng giống như không thể nuôi sống cả thế giới bằng linh dương hoang dã,” Sims nhấn mạnh.

Ý kiến độc giả

feature-top

Đăng bình luận